Sau khi đọc bài viết Hai bảo mẫu hành hạ trẻ có thể được bào chữa vô tội, tôi không đồng tình với quan điểm và luận điểm bào chữa của tác giả. Hiện tôi đang là một sinh viên trường Đại Học Sư phạm, chuyên ngành Sư phạm mầm non.
Nếu chúng ta cứ dung túng cho hành vi bạo hành trẻ em bằng cái mác nhân đạo "vì trẻ" thì những sinh viên chưa ra trường như chúng tôi vô hình trung sẽ mất đi hướng đạo đức nghề nghiệp, tư tưởng sẽ lệch lạc về pháp luật lẫn nhân cách con người.
Ở bài viết trên, tác giả nói bào chữa cho hai bảo mẫu dựa trên quan điểm khách quan nhìn nhận rằng nguyên nhân bạo hành là do trẻ biếng ăn nên bảo mẫu tại nhà trẻ Phương Anh mới phải đánh đập, dùng mọi phương pháp để trẻ ăn. Cũng từ điều này, tác giả so sánh "cách dỗ trẻ ăn của các bậc cha mẹ" đối với "hành vi ngược đãi trẻ của hai cô bảo mẫu" liệu có gì khác nhau?
Xin thưa, bản thân bảo mẫu Phương có bằng Đại học, tức là đã được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn ngành Sư phạm để nuôi dạy nhiều trẻ trong việc ăn và ngủ sao cho tốt nhất. Đồng thời không trường lớp nào dạy cách tát trẻ, đè đầu trẻ… để nuôi dạy các bé trong sinh hoạt ăn uống.
Sự so sánh với hành động của các bảo mẫu với việc cho trẻ ăn trong gia đình thật sự quá khập khiễng. Hơn hết, không cha mẹ nào tát con cái một cách vô tội vạ như các bảo mẫu để con cái ăn hoặc đút lại phần đồ ăn trẻ đã nôn ra ngoài cùng nhiều hình thức khác. Chẳng phải ông bà ta có câu: "Trời đánh tránh bữa ăn" đó sao?
Quan điểm thứ hai của tác giả là "về nguyên nhân phạm tội", tác giả nêu hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất đó là mục đích mở nhà trẻ, anh cho rằng đó là một hình thức kinh doanh kiếm lợi nhuận. Nguyên nhân thứ hai do trẻ quá đông và các cô không thể chăm hết tất cả các trẻ trong vòng một tiếng rưỡi.
Tôi nghĩ tác giả nên tìm hiểu thông tin bảo mẫu hành hạ trẻ có trình độ Đại học, nhưng khi mở trường mầm non, vị này lại mở chui. Cụ thể ngày 15/11/2013, tổ kiểm tra liên ngành phường kiểm tra hoạt động của nhà trẻ Phương Anh đã phát hiện đây là nhà trẻ hoạt động chui và cho ngưng hoạt động, tháo dỡ bảng hiệu và hướng dẫn làm hồ sơ cấp phép hoạt động theo quy định.
Ngày 6/12/2013, nhà trẻ Phương Anh tiếp tục bị phạt hành chính vì tổ chức hoạt động chưa được cấp phép. Phạt 750.000 đồng và ngưng nuôi dạy trẻ. Tôi thiết nghĩ chỉ riêng hành vi mở trường chui, hoạt động chui của một nhà giáo có bằng cấp Đại học đã là hành vi phạm tội và cần xử lý nghiêm theo luật pháp.
Mặt khác, đây là nhà trẻ tư nhân, nhận bao nhiêu trẻ là yếu tố tự nguyện, quyền quyết định số lượng trẻ thuộc về các cô. Đã là tự nguyện thì không ai bắt ép, đây lại là tự nguyện có trả thù lao. Áp lực không do ai khác ngoài lòng tham vô đáy, nhận số lượng trẻ quá giới hạn chăm sóc của bản thân các cô.
Tôi cho rằng không thể đổ lỗi tại hoàn cảnh tác động để bào chữa cho hành động vô nhân tính nói trên. Tôi đã đọc kỹ các điều về nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ Điều 46, áp dụng Điều 47 bộ luật hình sự. Các tình tiết giảm nhẹ trong khoản trong Điều 46 không có bất cứ tình tiết nào phù hợp với hành vi của hai bảo mẫu nói trên.
Theo tôi, trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, là búp trên cành. Hành vi bạo hành trẻ dù trong hoàn cảnh nào cũng đáng bị lên án và xử lý theo pháp luật. Hai bảo mẫu Phương và Ly đã đánh đập người không có khả năng chống cự, có nhiều hành vi bạo lực đối với người chưa hoàn chỉnh về khả năng nhận thức.
Nếu không xử lý nghiêm theo pháp luật thì những sinh viên đang theo học ngành Mầm non nói riêng và ngành Sư phạm nói chung sẽ dần mất đi nhận thức để trở thành người cô, người thầy ươm mầm, dìu dắt một thế hệ măng non vươn lên làm người một cách hoàn chỉnh nhất.
Home »
giay-cong-so
,
giay-nam-cong-so
,
tin-tuc
» Phản đối việc giảm nhẹ tội cho hai bảo mẫu đày đọa trẻ
Phản đối việc giảm nhẹ tội cho hai bảo mẫu đày đọa trẻ
Posted by trtr
Posted on 9:02 AM
with No comments
0 comments:
Post a Comment