Home » , » Cách ướp danh trà

Cách ướp danh trà

Muốn có trà ngon người ta phải cách ướp Danh Trà từ những loại trà khô như là trà mộc, trà xanh hay trà Ô long có màu nâu sẫm. Ướp trà là một kỳ công phối hợp tinh tế giữa phong cách tao nhã, sành điệu và ỷ thuật vi tế. Ướp trà thường dùng các loại hoa sen, hoa cúc, hoa ngâu, hoa lài, hoa sói.

Mỗi loại hoa làm cho trà có một hương vị khác nhau. Ðôi khi người ta ướp với cam thảo hay sâm để khi uống trà cảm thấy vị ngọt ở cổ họng và tinh thần phấn chấn.

Trà ướp hoa là hội tụ đỉnh cao của cái tinh tế, phong cách tao nhã, thanh lịch và sành điệu của người Tràng An. Trong đó, hoa sen là thứ hoa thông dụng nhất mà cũng quý nhất, ướp trà ngon nhất. Ðiều này được nhiều nhà trà học lý giải “bởi quan niệm về hoa sen trong đạo Phật của người Á Ðông. Hoa sen vốn dĩ là thứ hoa rất thanh cao mọc lên từ bùn lầy, điều đó tương tự như chữ Danh mà người quân tử rất coi trọng vậy”. Hương hoa sen là những gì tinh tuý của trời đất tụ lại. Vì vậy, trà ướp sen là vật phẩm quý giá, xưa kia chỉ dành cho những hàng vương tôn công tử và những gia đình quyền quý. Còn theo Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) thì “Cây sen hoa mọc từ dưới bùn đen mà không ô nhiễm mùi bùn, được khí thơm trong của trời đất nên củ sen, hoa sen, tua, lá… đều là những vị thuốc hay”.

Sen để ướp danh trà phải dùng loại sen bách hoa, phía bên trong các cánh hoa lớn có hàng trăm cánh nhỏ ôm sát vào nhau, che úp nhụy hoa, gạo sen và gương sen. Mua sen bách hoa về, (hoa sen phải hái trước lúc bình minh, phải lựa những ngày nắng ráo, tránh sau ngày mưa) bóc từng lớp cánh sen, kế đến tẽ những hạt trắng ở đầu nhụy hoa (gạo sen), trộn chung với trà, ủ trong vò kín từ một đến hai ngày cho gạo sen quắn lại rồi mới đưa trà lên sấy khô bằng than hay bằng nước nóng cách thuỷ. Phải giữ cho nhiệt độ vừa phải và điều hoà để không mất mùi hoa. Ứơp một kí-lô trà phải dùng tới hàng trăm bông sen, và phải làm nhiều lần như thế mới dùng được. Công phu là thế nên một ấm trà sen có thể uống hàng chục tuần trà. Nước trong rồi, hương sen còn ngan ngát. Uống một tách trà vào thấy tinh thần tỉnh táo, thoải mái làm sao! Nhiều nghệ nhân về trà còn tiết lộ: “Muốn có trà ngon, chỉ hái những búp trà loại “một tôm hai lá” và phải hái nhanh, nhẹ nhàng, không để búp bị nhàu nát. Loại trà ngon là sau khi sao phải còn lại một lượng nước nhất định từ 5-7%. Trà hái xong không ướp hương ngay mà phải để trong chum đất, trên ủ lá chuối, để từ 2-3 năm nhằm làm giảm độ chát và để cánh trà phồng lên hút được nhiều hương. Một cân trà ướp hương sen cần có 800-1000 bông sen, mà phải đúng loại sen ở đầm Ðồng Trị, Thuỷ Sứ, làng Quảng Bá, Hồ Tây hoặc là sen ở hồ Tịnh Tâm-Huế (sen ở đây to và thơm hơn sen những nơi khác).”

Từ xưa, các tiền nhân sành sỏi nghệ thuật uống trà, đã từng nói: Trà có nhiều nước. Nước đầu tiên là nước thiếu nữ, thanh khiết, ngọt ngào. Nước thứ hai là nước thiếu phụ, đượm đà nồng nàn, sâu thẳm. Đó mới thực sự là ngon nhất trong một ấm trà. Dư vị trong cổ họng cứ đọng lại… không chịu tan đi.

Nước ta có rất nhiều loại trà, trà nguyên thuỷ là loại trà mộc không được ướp hương, người uống mới cảm nhận được nguyên sơ. Loại trà thanh hương, được ướp với nhiều nguyên liệu khác nhau. Nào trà sen, trà lài, trà sói…

Trà sen là thứ trà rất quý, rất ít người ướp đúng phương pháp. Rót tách trà, hương sen dìu dịu, thơm mát, lan toả khắp phòng. Khi nước đã nhạt rồi mà hương sen vẫn còn ngan ngát. Trà sen nên uống vào mùa hạ mới cảm nhận hết được hương thơm của nó. Trà lài nên uống vào những đêm thu thanh vắng.

Trà bạch ngọc, hoa ướp hương của 5 loại hoa trắng: lài, cúc trắng, bông bạch, mộc, ngọc lan. Ngoài ra còn những loại trà bổ dưỡng như mật ong, long nhãn, mật ong nhân sâm… Mỗi loại trà nên pha vào một ấm khác nhau. Trà mộc thì pha vào ấm gốm là thích hợp nhất, trà thanh hương thì pha vào ấm sứ mới dậy được mùi hương.

Cách pha trà của các bậc sành điệu thật văn hoá và khoa học. ấm pha trà bé, lại không dùng nước đang sôi, đổ nước làm hai hoặc ba lần để trà khỏi bị luộc chín – chất trà cứ ngấm dần ra màu vàng sóng sánh. Uống vào cảm thấy hương thơm xông lên tận não bộ, nghe vị ngọt của trà thắm trong cổ họng, khà một tiếng nhỏ khen trà ngon cũng là thể hiện niềm biết ơn sâu xa người mời trà.

Văn hoá trà gắn kết với đời sống và tâm linh người Việt. Nhấp tách trà thơm lừng, con người sảng khoái gần gũi với nhau hơn, đúng là bản sắc đậm đà đã tồn tại qua mấy ngàn năm toả hương trong sự giao hoà của thiên nhiên và đất trời.
http://www.trathainguyen.info/2014/01/cach-uop-danh-tra.html

0 comments:

Post a Comment

TOP