Các bạn đã từng nghe đến Ngự Trà Cam Khổ đây là 1 trong các loại danh trà đã thất truyền tại Việt Nam.
Danh trà Ngự Trà Cam Khổ thất truyền tại Việt Nam
Ở vùng Kim Sơn, Vạn Hội, Lạc Phụng núi Chúa thuộc huyện Hoài Ân (Bình Định) có hai loại trà mọc hoang dã trên đồi gò, ven chân núi, rất quí hiếm, cho đến nay không dễ ai thuần hóa về trông vườn nhà được. Một loại là trà Cam, loại kia là trà Khổ. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi nhận: “Lá Vằng: chữ Hán là Cam Khổ trà tức Qua lô, sản vật ở núi Hà Ra thuộc huyện Phù Cát, có lệ cống”. Cây đại thụ văn hóa miền trung Quách Tấn ghi chép trong sách Nước non Bình định của ông: “Ngày xưa, Cam khổ là loại trà quý, là vật dụng tiến các Chúa Nguyễn. Người ta dùng cả hai loại trà cam và khổ để tiến vua. Ở vùng Trần Gia Tổ sơn (bản quán danh tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu) vốn là gốc tổ loại trà này”.
Tương truyền vùng Kim Sơn có ba thứ tuyệt phẩm: Thứ nhất là Mỹ nhân, thứ nhì là danh Trà Cam khổ, thứ ba là Cá Bống cát. Thứ trà này được chế biến từ búp cây chè núi chỉ vùng này mới có, cọng lớn, lá thô, hái vào lúc mờ sáng, phơi trở đủ chín sương, chín nắng rồi đem sao đảo thâu đêm trên lửa đến khi lá săn lại, đanh khô tỏa hương thơm rừng mới dừng tay.
Trước kia cư dân bản địa chuộng dùng nước suối tiện hơn dùng trà, hơn nữa họ chỉ biết nấu chè tươi uống tại chỗ nên loại trà quý này đành vui phận hèn: “ ẩn sĩ” chốn thâm sơn chẳng mấy ai biết đến. Sau có nhà quan nhân lúc trí sĩ thư nhàn mới thử chế biến phục vụ thú thưởng trà Cung đìnhcao sang. Không ngờ loại trà tự chế hương vị thơm ngon ,lạ lẫm từ thứ nguyên liệu chè hoang nơi rừng núi. Những buổi trà dư tửu hậu, bình phẩm thi ca, loại trà lạ mới được đem khoe và cứ thế miệng đời kháo rộng ra ngoài. Tiếng thơm vang xa đến tận vương phủ ngoài Phú Xuân. Định Vương (Nguyễn Phúc Thuần) muốn ngự lãm truyền lệnh tiến nạp Ngự dụng. Chúa muốn một, quan Phó Vương Trương Phúc Loan muốn mười, Tổng đốc dinh Quảng Nam hiểu thành trăm, Tuần phủ Hoài Nhơn Nguyễn Khắc Tuyên hiểu thành nghìn và bỗng chốc trà Cam khổ vang danh khắp chốn xứ Đàng trong. Từ đó hằng năm, giữa những sản vật tiến kinh của dân phủ Hoài Nhơn, thế nào cũng phải có hai món dành Ngự dụng: trà Cam khổ và Bình Giang sa ngư.
Tên trà Cam khổ là cả câu chuyện trĩu nặng khổ đau. Có hai cách lý giải: Người thì bảo do vị trà ngòn ngọt đăng đắng mà thanh danh, kẻ lại bảo do nghề phu trà cam chịu khổ ải ghi dấu tích thành tên. Có một người phu trà tên Tỵ người Thanh Lương quanh năm suốt tháng quần đảo khắp các triền núi để canh chè, vì loại chè này chỉ mọc hoang, không cách nào trồng được, mà giống khỉ rừng ở đây rất hảo lá chè non. Một ngày, nhân lúc ông Tỵ ngủ quên, bọn khỉ kéo nhau về chén sạch đọt chè không chừa một ngọn. Năm ấy mất vụ trà, không có trà Cam khổ tiến chúa. Ông Tỵ bị chém đầu bêu giữa chợ. Tương truyền năm ông Tỵ chết oan, mây trắng không chịu bay, cứ quấn quanh ngọn Kim Bồng. Một quan chức họ Trần(cha danh tướng Trần Quang Diệu) quê ở Vạn Hội thương xót mới đặt tên trà là trà Cam khổ. Bọn đồng liêu thóc mách đằng hặc lên quan trên, ông Trần suýt lây vạ miệng.
Trà Cam lá nhỏ, thỏang vị đường phèn thanh ngọt, nên mới gọi là cam (ngọt), đây chính là chè Vằng ở Định sơn, Cam Lộ – Quảng Trị vốn có từ thời người Việt cổ dưới cái tên Qua lô: “Trà là loài cây tốt ở phương Nam, cây như cây Qua lô. Cây trà được người Việt xưa gọi là cây Qua lô cũng như cư dân Điền Việt vùng Vân Nam gọi là Đồ (sau người Trung Hoa thêm một vạch ngang gọi là Trà) ”. Trà Khổ lá to, xanh, dày và cứng, đọt non nhân nhẩn đắng, hãm nước uống vị rất đắng. Bởi thế nó mới mang tên Khổ (đắng). Người xưa biết dùng rễ trà Cam hồi sức cho phụ nữ sau khi “khai hoa nở nhụy” và dùng trà Khổ chống say, tỉnh rượu. Trà Cam khổ được cổ nhân chế biến theo công thức 2 ngọt 1 đắng mà thành. Trà Cam khổ còn bao hàm ý nghĩa sâu xa phản ánh sự quý hiếm của nó. Phải rất vất vả gian khổ, phải “nếm mật nằm gai” băng rừng, vượt núi mới kiếm được thứ trà này. Nâng chén trà Cam khổ nghi ngút, bọt trắng chấp chới viền quanh mặt nước sóng sánh xanh ngắt, trong veo mầu mắt mèo, thóang chút hương mông mốc của cành rừng khô thiên nhiên có vẻ chưa hấp dẫn, nhưng chỉ vừa nhấp thử một ngụm, cổ họng bỗng tràn vị ngọt thơm hàng giờ không dứt. Người đã thưởng qua trà Cam khổ, dễ sinh nghiện trà này, khi ấy mọi thứ danh trà quý hiếm truyền tụng cổ kim: Long Tỉnh, Trảm Mã, Bạch Mao Hầu, Thiết quan Âm vv… đều “rớt xuống” hàng thứ phẩm. Trà cam khổ bây giờ rất hiếm. Nó chỉ quen nơi hoang dã ngoài thiên nhiên. Đây là một thứ trà quí, danh tiếng một thời, từng là Ngự Trà, nhưng nay gần như bị thất truyền. Những người Hoài Ân thì vẫn tự hào truyền tụng:
Đây chè đặc sản tiến vua
Nhấp môi hương dậy ngậm nghe vị đằm.
Trịnh Quang Dũng
Trích sách Văn Minh Trà Việt, NXB Phụ Nữ 2012
Danh trà Ngự Trà Cam Khổ thất truyền tại Việt Nam
Posted by trtr
Posted on 11:28 AM
with No comments
0 comments:
Post a Comment